Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2011

Steve Jobs đã lên kế hoạch cho sản phẩm Apple bốn năm tới

Biết mình không còn sống được bao lâu, từ hơn một năm nay, Steve Jobs làm tất cả những gì có thể mà ông tin sẽ đảm bảo cho tương lai của công ty ông yêu quý.
 
Ban lãnh đạo Apple được cho là đã biết trước về sự ra đi của Steve Jobs trước đó một tuần.
Steve Jobs mất ngày 5/10. Ảnh: AP.

Theo trang Daily Mail, Jobs đã đấu tranh đến cùng để kế hoạch xây dựng đại bản doanh mới mang hình phi thuyền của Apple tại California (Mỹ) được phê chuẩn. Nó sẽ đủ lớn cho 12.000 nhân viên và nằm khá gần trụ sở cũ. Ông thậm chí còn dọa Hội đồng Cupertino rằng nếu họ không đồng ý xây dựng, Apple sẽ chuyển đi nơi khác và thành phố này sẽ mất đi công ty đóng thuế nhiều nhất.
Dù biết không còn sống được bao lâu, Steve Jobs vẫn đấu tranh để Apple được xây trụ sở mới như một món quà ông tặng cho nhân viên.
Steve Jobs sẽ không thể chứng kiến lễ khánh thành trụ sở mới mà ông đã đấu tranh để Apple được phép xây dựng (như một món quà ông tặng cho nhân viên). Ảnh: Apple.

Ông cũng duyệt lại lộ trình phát triển của dự án quan trọng của Apple là iCloud (cho phép người sử dụng lưu trữ nhạc, ảnh và các tài liệu khác từ xa) cũng như tham gia thiết kế và nâng cấp các phiên bản mới cho máy nghe nhạc iPod, máy tính bảng iPad, điện thoại iPhone và máy tính MacBook cho Apple trong 4 năm tới.

Steve Jobs chọn Tim Cook làm tân Tổng giám đốc Apple. Chưa ai biết liệu Apple có thay đổi dưới sự dẫn dắt của Cook hay không, nhưng ông đạt được vị trí ngày hôm nay là nhờ có nhiều điểm chung với nhà đồng sáng lập Apple: một người cầu toàn, luôn đòi hỏi sự hoàn hảo, chỉn chu, luôn chú ý đến từng tiểu tiết và tỏ thái độ cứng rắn, tự tin trên bàn đàm phán. Tuy nhiên, Tim Cook có cách cư xử mềm mại hơn Jobs (Steve Jobs sẵn sàng sa thải nhân viên ở bất cứ đâu, kể cả trong thang máy).
Dấu ấn Steve Jobs sẽ còn hiện diện trong sản phẩm Apple trong nhiều năm.
Dấu ấn của Steve Jobs sẽ còn hiện diện trong sản phẩm Apple trong nhiều năm. Ảnh: Getty Images.

Bên cạnh đó, Apple còn có bộ ba tài năng Jonathan Ives, bậc thầy về thiết kế sản phẩm, Phil Schiller, Giám đốc marketing và Scott Forstall, trưởng bộ phận phần mềm di động.

Châu An

Khác biệt lớn nhất về thiết kế giữa iPhone 4S và iPhone 4

Nếu chỉ nhìn qua, người dùng khó có thể nhận biết được đâu là điện thoại mới trình làng của Apple với phiên bản cũ. Tuy nhiên, để ý kỹ sẽ thấy đôi chút khác biệt ở ngay cạnh bên trái, phải và trên đỉnh.

Bên cạnh trái của iPhone 4S (dưới) xuất hiện đoạn khấc cạnh phím rung trong khi phiên bản cũ không có.

Phụ kiện iPhone từ Trung Quốc tràn ngập thị trường

 Các loại miếng dán từ Trung Quốc có giá từ 20.000 đồng, bao da, ốp lưng giá rẻ với nhiều màu sắc, kiểu dáng đa dạng đang làm chủ thị trường, trong khi hàng "xịn" bán chậm hơn.

So với các dòng điện thoại khác, iPhone được nhiều người sắm thêm phụ kiện hơn sau khi mua máy mới. "Gần như 100% khách hàng đều chọn miếng dán, sau đó, tùy vào sở thích, nhu cầu mùa họ có thể thêm bao da, các miếng ốp lưng hay phụ kiện đặc biệt khác", anh Minh Thành, nhân viên một cửa hàng Hải Mobile trên đường 3/2, TP HCM, cho biết.


Case bảo vệ iPhone, phu kiện được mua nhiều nhất. Ảnh: Huy Đức.

Vỏ bảo vệ iPhone, phu kiện được mua nhiều nhất.
Dạo qua các cửa hàng chuyên về iPhone ở TP HCM trên đường Cách mạng tháng 8, 3/2, Võ Văn Tần... có thể thấy, phụ kiện cho điện thoại Apple được bày bán nhiều, mẫu mã rất đa dạng, tuy nhiên, phần lớn đều đến từ Trung Quốc với các thương hiệu ít người biết đến.

Đang chọn miếng dán cho chiếc iPhone 4S của vợ, anh Trung (quận 3, TP HCM) nói: "Mỗi lần đi thay lại thấy có mức giá khác nhau, khi thì 20.000 đồng, lúc 50.000 đồng, nhìn cũng giống nhau, và không biết chất lượng thế nào". Không chỉ miếng dán, các loại bao da, nhựa ốp lưng cũng khiến nhiều người phân vân, lựa chọn. "Trước tôi mua bao da có hiệu iTeste, chỉ vài hôm sử dụng đã bị giãn rộng, đứt chỉ, giờ chọn một cái mới, nghe chủ hiệu bảo loại tốt, giá cao gấp đôi, nhưng nhìn chất da vẫn như thế", chị Mai Trinh, nhân viên văn phòng tại quận 1, phân vân khi đang chọn bao da mới cho chiếc iPhone 4 màu trắng.

Nếu như trước đây, một bộ bao da, hay ốp lưng iPhone cũng có giá vài trăm ngàn và chỉ mua được ở các cửa hàng lớn, thì hiện nay với nguồn hàng dồi dào từ Trung Quốc, chỉ cần vài chục nghìn đồng, người dùng sở hữu bộ phụ kiện với kiểu dáng lạ hơn. Không cần vào các cửa hàng di động lớn, hiện các shop thời trang, cửa hàng bán quần áo... cũng bày bán la liệt các mặt hàng này.

Bên cạnh đó, các gian hàng online cũng "mọc lên như nấm" với đầy đủ các phụ kiện, giao hàng tận nhà mà giá lại rẻ hơn tại so với mua ở tiệm. Anh Minh (Tân Phú, TP HCM), một người chuyên bán phụ kiện iPhone qua mạng, cho biết do không cần thuê cửa hàng, giá mặt hàng của anh rẻ hơn.

Nhiều phụ kiện Trung Quốc đang bày bán trên thị trường hiện có xu hướng "nhái" các thương hiệu lớn. Không khó để người dùng có thể tìm các nhãn hiệu thời trang như Louis Vuitton, DG... trên thị trường, mặc dù hãng không sản xuất phụ kiện. Ngoài ra, hàng "nhái" đồ "xịn" như Capdase, Viva... cũng xuất hiện nhan nhản trên nhiều cửa hàng với giá chỉ từ 70.000 đến 150.000 đồng, mức chỉ bằng một phần ba hàng thật.

Anh Hoàng Hải, chủ cửa hàng Huy Thuận (đường 3/2, TP HCM), cho biết cửa hàng có bày bán cả hàng Trung Quốc lẫn hàng xịn, tuy nhiên khách hàng vẫn có xu hướng chọn loại giá rẻ nhiều hơn, dù chất lượng kém. Anh Hải cho rằng, các loại phụ kiện tốt thường được bảo hành đầy đủ, bao da hay miếng ốp có chất lượng cứng cáp, chắc, đường may cũng liền mạch và đều hơn.

Trong khi đó, theo anh Tuấn, quản lý cửa hàng TechLand trên đường Võ Văn Tần, dù khó phân biệt, miếng dán của các thương hiệu lớn thường khác biệt với sản phẩm từ Trung Quốc. Theo đó, các sản phẩm giá rẻ dùng keo dính màn hình, trong khi hàng "xịn" lại sử dụng từ tính, không bị bong tróc và bụi chui lọt. Giá một miếng dán màn hình tốt khoảng 100.000 đến 150.000 đồng, trong khi các phụ kiện khác như bao da, nắp bảo vệ... không dưới 300.000 đồng một chiếc.


Bài và ảnh: Huy Đức

Giới kinh doanh rục rịch buôn iPhone 4S

iPhone 4S vừa tuyên bố ra mắt tại Mỹ, nhiều cửa hàng kinh doanh smartphone ở Hà Nội và TP HCM đã nhận đặt hàng xách tay cho các tín đồ "táo khuyết". Trong khi đó, 2 hãng phân phối chính thức VinaPhone và Viettel lại 'án binh bất động'.


Ngay khi thông tin về iPhone 4S "ra lò", dù chưa được cầm trên tay "trái táo" mới song anh Vũ Quang Trung, chủ cửa hàng điện thoại trên phố Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội đã căng tấm biển: Nhận đặt hàng xách tay cho khách.

Nhiều cửa hàng kinh doanh smartphone đã nhận đặt iPhone 4S. Ảnh: Xuân Ngọc.

Theo đó, các tín đồ "táo khuyết" có nhu cầu mua iPhone 4S chỉ cần đặt trước 5 triệu đồng sẽ được giao một tờ giấy biên nhận. Khách được hứa hẹn là đến ngày chỉ cần cầm giấy đến là có thể mang trái táo 4S về và thanh toán nốt số tiền còn lại.

"Chúng tôi nhận đặt iPhone 4S cách đây 3 ngày. Dự kiến, khoảng 17/10 tới, trái táo 4S đầu tiên sẽ có mặt ở cửa hàng để trao cho khách", anh Trung nói.

Những thông tin quảng cáo, chào hàng iPhone 4S cũng đã xuất hiện ồ ạt trên cộng đồng mạng mấy ngày qua. "iPhone 4S đập hộp bà con ơi!", "iPhone 4S sớm nhất thị trường, nhanh tay sở hữu" hay "Sắp có 'táo' mới, nhận đặt hàng"... là những lời chào mời phổ biến nhất.

Anh Nguyễn Thành Long, một người kinh doanh smartphone online cho biết, từ hôm 8/10, anh đã chỉnh sửa giao diện website, đưa thêm vào danh mục sản phẩm 6 loại iPhone 4S bao gồm bản màu trắng và đen, dung lượng 16Gb, 32Gb và 64Gb. Anh chia sẻ, dù chưa có hàng nhưng phải thông báo trước để những người có nhu cầu mua biết để liên hệ, vì hiện tại rất nhiều người đã tìm mua dòng sản phẩm này.

Tại TP HCM, thị trường iPhone cũng được hâm nóng trước những thông tin phiên bản 4S ra lò. Anh Tú, chủ cửa hàng chuyên bán những sản phẩm của Apple ở quận 3, cũng đã nhận đặt hàng từ 2 ngày hôm trước. Theo anh, cách đây một tuần chưa biết chắc là iPhone 4S hay iPhone 5 nên anh chưa dám nhận đặt hàng, dù khách có nhu cầu. Tuy nhiên, thời điểm này, khách chỉ cần đặt cọc là có giấy hẹn giao hàng.

"Kinh nghiệm bán iPhone của tôi cho thấy, những người mê và chạy theo công nghệ này luôn muốn là người đầu tiên sở hữu sản phẩm mới nên mình phải nắm bắt ngay", anh Tú chia sẻ.

Anh Tú cung cấp thêm, trong vòng 2 ngày, cửa hàng đã nhận đặt cọc của 5 người. Khách chỉ cần trả trước 2-5 triệu đồng để khẳng định độ chắc chắn. Công việc còn lại, hàng về, khách sẽ được giao tận tay.

Đa phần cửa hàng chỉ nhận đặt cọc và hứa suông còn thời điểm nào có hàng để bán thì họ lại không dám khẳng định chắc chắn. Vì thế trước khi nhận tiền của khách, anh Tú phải nói rõ quan điểm: "Giá iPhone 4S chưa niêm yết nên người mua có thể cân nhắc khi đặt hàng. Giá sản phẩm này có thể thay đổi".

Anh tiết lộ: "Có thể cuối tháng 10, sản phẩm iPhone 4S sẽ có mặt ở cửa hàng với giá dao động ngưỡng 20 triệu đồng. Tuy nhiên, đó mới là nhận định còn giá chốt phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khác như thuế, thủ tục giấy tờ và các loại phí khác kèm theo".

Trên thực tế không phải cửa hàng nào cũng hào hứng với trái táo 4S. Thậm chí, có người còn lo sức hấp dẫn của sản phẩm này cũng giảm đi khi cha đẻ của nó là Steve Jobs qua đời.

Phó tổng giám đốc Công ty Nhật Cường - Trần Quang Ánh cho hay: "Chúng tôi không thể mạo hiểm nhận đặt hàng cho khách mà không biết chắc chắn khi nào iPhone 4S sẽ có mặt trên thị trường. Chẳng may một lúc có tới 200 người đến đặt cọc, lúc đó, Nhật Cường lấy hàng đâu để bán cho họ. Tất nhiên, chúng tôi đang tìm hiểu thủ tục, tìm kiếm nguồn để đưa hàng về sớm nhất có thể".

Nguồn tin từ nhà mạng cho hay đến thời điểm này các sản phẩm iPhone 4 vẫn là hàng chủ lực bán ra từ nhà mạng. Phía đối tác sản xuất Apple cũng chưa công bố kế hoạch phân phối trái táo 4S cho 2 hãng viễn thông VinaPhone và Viettel.

"Cách thức bán hàng của chúng tôi vẫn như cũ với những lợi thế riêng chứ không cạnh tranh với hàng phân phối tự do trên thị trường. Tôi cho rằng giá các sản phẩm này sẽ ở mức phải chăng giống như các sản phẩm đang bán trên thị trường", nguồn tin từ VinaPhone khẳng định.

Cả Viettel và VinaPhone đều chưa biết thời điểm nào những chiếc iPhone 4S sẽ có mặt trên hệ thống bán hàng của nhà mạng. Hiện mỗi hãng viễn thông này đang có còn khoảng vài nghìn chiếc iPhone các loại.

Hồng Anh - Xuân Ngọc

Nhiều người mua phải iPhone 4 giả vì ham hàng rẻ

Những tưởng được sở hữu điện thoại Apple chính hãng với số tiền chỉ bằng phân nửa so với giá thị trường, những khách hàng nhẹ dạ đã sập bẫy khi mua phải hàng iPhone 4 rởm xuất xứ từ Trung Quốc.

Trao đổi với VnExpress.net, anh Minh Thiện, ngụ quận 10, TP HCM, cho biết cách đây khoảng một tháng anh đọc được thông tin trên trang mạng rao vặt với nội dung: "iPhone 4S 32 GB màu trắng bản quốc tế không cần unlock, còn nguyên hộp và phụ kiện. Giá rẻ 7 triệu đồng".
Liên lạc với số điện thoại kèm theo tin nhắn để hỏi mua, anh Thiện được hẹn xem máy tại địa chỉ nhà riêng của người bán với yêu cầu phải gọi điện trước khi đến. Sau khi đặt được cuộc hẹn, người bán cung cấp số nhà và thời gian để anh Thiện đến xem máy.
Thiết kế máy thật (phải) và iPhone 4 giả (trái) y hệt nhau. Ảnh: Hà Mai.

Khi đến địa chỉ nhà của người bán, anh gọi điện thì một người đàn ông từ bên kia đường bước qua nói là vừa đi công việc về chưa kịp vào nhà. Người này đưa máy cho anh kiểm tra, sau đó nhận tiền và đi luôn.

Mua về sử dụng chỉ được vài ngày thì máy bị trục trặc, màn hình không lên. Ra cửa hàng điện thoại kiểm tra anh mới biết đây là điện thoại Trung Quốc. Liên lạc với số điện thoại người bán thì "ò í e". Đến địa chỉ hôm trước giao máy thì người ở đây bảo không biết ai như thế.

Còn Thanh Thảo, sinh viên, cũng bị mắc lừa khi lấy iPhone 4. Người bạn Thảo quen trên mạng nói có một chiếc iPhone 4 còn mới không dùng nên muốn để lại. Thanh Thảo đang dùng iPhone 3 GS nên thương lượng đổi máy này lấy iPhone 4 và sẽ bù thêm 4 triệu đồng.

Người bạn lập tức đồng ý và hẹn giao máy tại một quán cafe trung tâm thành phố. Đem máy về sử dụng Thảo thấy cảm ứng máy không được nhạy, giao diện thậm chí thua cả con 3GS đã đổi. Đem ra tiệm kiểm tra mới biết mình bị lừa đổi phải hàng Trung Quốc. Thảo lên mạng để đòi lại máy thì nick của anh bạn cũng tắt ngúm.

Anh Thanh Phú, chủ một cửa hàng điện thoại tại quận 10, cho biết đã thấy nhiều trường hợp khách hàng đến hỏi mua điện thoại iPhone 4 ở chỗ anh chê đắt vì giá trên mạng chỉ từ 6 đến 7 triệu đồng.

"Nhiều lúc khách hàng đem máy đến để nâng cấp hoặc cài phần mềm thì mới biết chiếc iPhone 4 giá rẻ của mình là hàng giả. Đa phần đều mua hàng trên mạng", anh Phú chia sẻ.
Mặt sau iPhone 4 (bên trái) được in thông tin thiết kế bởi Apple tại California và lắp ráp tại Trung Quốc. Còn hàng giả (bên phải) cũng ghi được Apple thiết kế nhưng "tự phong" lắp ráp tại Mỹ. Ảnh: Hà Mai.

Hiện tại iPhone 4 bản 16 GB không khóa ở thị trường Mỹ có giá khoảng 650 USD. Còn tại các cửa hàng điện thoại ở Việt Nam, iPhone 4 giá thấp nhất cũng phải trên dưới 15 triệu đồng. Do vậy người dùng nên cẩn trọng trước những thông tin bán máy mới nhưng được rao giá rẻ chỉ từ 5 đến 7 triệu đồng.

Theo anh Quang Vũ, một kỹ thuật viên điện thoại, những người chưa từng sử dụng iPhone 4 rất dễ bị qua mặt vì thiết kế bên ngoài hàng rởm khá giống với hàng chính hãng. Tuy nhiên, nhìn kỹ sẽ thấy thiết kế không tinh tế và có vẻ thô ráp.

"Đơn giản nhất là mở máy lên và kiểm tra camera. Điện thoại Trung Quốc không hỗ trợ lấy nét, còn chính hãng có thể lấy nét bằng cách dùng ngón tay chọn điểm lấy nét trực tiếp trên màn hình", anh Vũ nói.

Ngoài ra còn có thể kiểm tra khe sim vì iPhone 4 chỉ dùng micro sim trong khi hàng giả lại dùng sim bình thường. Xem kỹ hộp máy, các chi tiết khác như các nút điều khiển, giao diện ... và kiểm tra qua máy tính vì hàng giả không thể kết nối iTunes.

Vụ trộm iPhone táo tợn bằng xe máy giữa đêm

Lúc 1 giờ sáng ngày 10/10, gian hàng Convent Garden hoành tráng nhất châu Âu của Apple bị nhiều kẻ gian phóng xe máy đâm vỡ nát cửa kính và lấy đi thiết bị giá trị bao gồm iPad, iPhone và laptop MacBook.

Các nhà chức trách cho rằng, có ít nhất 7 tên tham gia vụ trộm trên. Chúng đều bịt mặt, đội mũ bảo hiểm và đi xe phân khối lớn. Tổng giá trị tài sản bị đánh cắp ước tính khoảng 10.000 USD (210 triệu đồng).
Cảnh sát đang điều tra vụ ăn trộm iPhone, iPad liều lĩnh.

Rob Shoesmith, một người đã xếp hàng sớm đợi mua iPhone 4S, đã chứng kiến toàn bộ sự việc trên. "Tôi tỉnh dậy và nghe thấy tiếng gầm rú của xe máy cùng âm thanh cửa kính bị vỡ. Chúng đã lấy đi rất nhiều máy tính Mac và điện thoại", anh này viết trên blog.

Theo website ZDNet, sau khi nhận thông tin khẩn từ nhân viên bảo vệ, cảnh sát đã kịp thời đuổi bắt được 2 kẻ khả nghi. "Hai kẻ gian có tuổi 16 và 21. Chúng tôi vẫn tiếp tục điều tra để tóm nốt những tên còn lại", trung sĩ Nathan Tozer, phát biểu.

Gian hàng Convent Garden lớn nhất của Apple ở châu Âu được khai trương vào năm ngoái với tổng số nhân viên lên đến 300. Giống Apple Store khác, hệ thống an ninh của nó cũng lỏng lẻo khi cửa bên ngoài bằng kính và chỉ có một nhân viên bảo vệ.
Apple Store ở Convent Garden (London) lúc mở cửa.

Nửa năm trước, ba tên trộm đã lẻn vào một Apple Store ở bang California (Mỹ) với ý định cuỗm smartphone, laptop và máy tính bảng. Sau màn đấu súng nổ ra với nhân viên bảo vệ, một tên trộm đã bị bắn hạ và 2 kẻ đồng phạm đã bị bắt khi đang ẩn náu ở một ngôi nhà gần đó.

Nguyễn Hùng (Ảnh: ZDNet)

Cuộc Đời Steven Jobs

Một biểu đồ vừa được chia sẻ trên Internet đã tóm tắt lại những dấu mốc quan trọng của cựu Giám đốc điều hành Apple trong suốt 56 năm.
Steve Jobs sinh ngày 24/2/1955 và được nhận nuôi bởi ông bà Paul và Clara Jobs ở California.

Khi đang học cấp ba, Jobs làm việc thêm tại nhà máy của HP và kết bạn với một sinh viên tên là Steve Wozniak. Ông bỏ đại học ngay sau học kỳ đầu tiên và đi làm cho công ty sản xuất trò chơi điện tử.

Năm 1976, ông và Steve Wozniak thành lập ra công ty máy tính Apple. Để làm được điều đó, cả hai đều phải bán đi những thứ quý giá nhất như xe Volkswagen, bảng tính...

Với máy tính Apple I bán ra vào tháng 7/1976, công ty nhỏ bé này đã thu được lợi nhuận 774.00 USD. Sau đó 3 năm, sự xuất hiện của model Apple II đã biến Steve Jobs và Steve Wozniak trở thành những nhà triệu phú khi lợi nhuận thu được lên đến 139 triệu USD.

Tuy nhiên, vào khoảng năm 1984, IBM bất ngờ qua mặt Apple để trở thành công ty sản xuất máy tính lớn nhất. Cùng thời điểm đó, "Quả táo" tung ra Macintosh, máy tính cá nhân đầu tiên được thương mại hóa thành công với đặc điểm điều khiển bằng chuột và giao diện đồ họa.

Vào năm 1985, nhiều nhân viên trong Apple cho rằng Jobs là kẻ khắc nghiệt, dẫn đến bất đồng quyền lực nội bộ. Cuối cùng, ông đã bị hất ra khỏi chức CEO.

Sau khi từ chức, Jobs bắt đầu phát triển phần cứng và phần mềm mới mang tên NeXT đồng thời mua lại công ty hoạt hình giá 10 triệu USD (về sau là Pixar). Cách đây 5 năm, Pixar đã sáp nhập với Walt Disney và Jobs trở thành cổ đông lớn nhất.

Năm 1991, Jobs cưới Laurene Powell và họ có 3 con. 6 năm sau, Apple mua lại NeXT với giá 439 triệu USD và mời Jobs quay trở lại làm CEO.

Khi Steve Jobs trở về, Apple thực sự hồi sinh với máy nghe nhạc di động iPod (ra mắt đầu tiên năm 2001), về sau vượt qua cả Walkman của Sony.

Tuy nhiên, vào năm 2003, Jobs được chẩn đoán bị ung thư tuyến tụy, ông từ chối phẫu thuật và tìm đến những cách chữa bệnh khác, trong đó có ăn kiêng đặc biệt. Cuối cùng ông cũng đồng ý phẫu thuật vào năm 2004 và thành công. Từ đó, ông luôn giữ kín tình trạng bệnh tật của mình.

Điện thoại iPhone, laptop siêu mỏng MacBook Air và máy tính bảng iPad lần lượt ra đời đã giúp Apple trở thành công ty công nghệ hàng đầu, sánh ngang với Microsoft, IBM, Intel. Các sản phẩm này không đơn thuần chỉ là có thiết kế đẹp và ăn khách mà còn làm thay đổi ngành công nghiệp âm nhạc và di động.

Giữa năm 2011, Jobs từ chức CEO và giao lại cho Tim Cook.

Hôm 5/10, Apple công bố Steve Jobs đã qua đời ở tuổi 56. Đám tang của ông được cho là được diễn ra bí mật.
Những thành tựu đáng nể của Steve Jobs khi làm việc cho Apple bao gồm 54 triệu người dùng máy tính Mac, 425.000 ứng dụng cho nền tảng iOS, hơn 14 tỷ phần mềm đã được tải trong 3 năm và 15 tỷ bài hát được bán qua iTune.